Công ty Cổ phần Xi măng Tây Đô

Xi măng Tây Đô điểm sáng ngành công nghiệp các tỉnh ĐBSCL

Đã từ lâu, hình ảnh Xi măng Tây Đô luôn rực sáng ở trời Nam. Xi măng Tây Đô gắn liền với công cuộc xây dựng ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Người ta biết đến Xi măng Tây Đô không chỉ vì nơi đây là nguồn cung cấp xi măng chính cho xây dựng thành phố Cần Thơ, tỉnh Hậu Giang, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long mà còn biết đến Xi măng Tây Đô như một biểu tượng của mô hình sản xuất, quản lý theo hướng bền vững, với bao hoài bão, tâm huyết của người thợ xi măng ở vùng sông nước xa xôi, thiếu nguyên liệu và thiếu cả thị trường tiêu thụ.

Không có nguồn nguyên liệu để sản xuất ra clinker để rồi nghiền ra xi măng, Tây Đô được ra đời với danh nghĩa là một trạm nghiền xi măng. Nguồn clinker được lấy từ Xi măng Hà Tiên 2 ở Kiến Lương, Kiên Giang và nguồn clinker nhập khẩu. Thời đó, miền Bắc cũng chưa tự sản xuất đủ clinker cho các nhà máy ở phía Bắc.

Từ sau năm 2010, Việt Nam đã chuyển sang nước xuất khẩu clinker, xi măng, các dây chuyền nghiền xi măng trên cả nước, trong đó có Tây Đô sử dụng nguồn clinker nội địa để sản xuất xi măng, mà nguồn cung chủ yếu được lấy từ miền Bắc. 

Do không chủ động được nguồn clinker nên các nhà máy nghiền xi măng thường gặp khó khăn, Tây Đô cũng không phải là trường hợp ngoại lệ. Trong những năm tháng xi măng lò đứng còn tồn tại, nhiều nhà máy nghiền xi măng rất khó mua được clinker chất lượng cao từ các nhà sản xuất bằng lò quay công nghệ cao mà một phần phải lấy clinker được sản xuất bằng công nghệ lò đứng chất lượng thấp hơn.

Tuy nhiên, Tây Đô đã vượt qua tất cả khó khăn đó bằng lao động sáng tạo của mình, bằng công tác quản lý môi trường chặt chẽ. Tây Đô trở thành điểm sáng, lá cờ đầu của cả ngành xi măng. Tây Đô vừa cung cấp xi măng đóng bao vừa cung ấp xi măng xả (rời) cho các hộ tiêu thụ khác nhau, bằng các giải pháp tiếp thị linh hoạt, uy tín. Xi măng xả (rời) của Tây Đô có thương hiệu, không khác gì xi măng bao. Điều mà các nhà sản xuất khác không làm được. Tây Đô không chỉ là nhà sản xuất xi măng mà còn là nhà cung cấp bê tông thương phẩm cho cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Chính Tây Đô là doanh nghiệp đi đầu trong việc giải bài toán logistic, biến đường giao thông thành “kho” di động của các đoàn xe chở bê tông thương phẩm, bê tông tươi, tiết kiệm chi phí kho bãi, bốc xếp. Ngoài việc luôn nâng cao chất lượng xi măng, chất lượng bê tông tươi, Tây Đô còn là bạn hàng tin cậy của các đối tác, của các bên tiêu thụ bê tông tươi, đúng tiến độ, đúng thời gian.

Là nhà máy nghiền xi măng công suất lớn, nhưng khuôn viên nhà máy là một vườn hoa thực thụ. Mùa khô kéo dài cũng không làm cho lá cây ở Tây Đô nhuốm màu xi măng. Bảo vệ môi trường là công việc được thực hiện nghiêm chỉnh, được mỗi người lao động, mỗi công đoạn sản xuất quan tâm, trách nhiệm và bị ràng buộc bởi chế tài xử phạt nghiêm ngặt, công khai, minh bạch.

Có thể thấy rằng, trong phần lớn thời gian hoạt động của mình, Xi măng Tây Đô là điểm sáng không chỉ ở miền Tây mà là cả nước. Là doanh nghiệp làm ăn  có hiệu quả, bài bản, sáng tạo trong lao động kỹ thuật, trong mô hình quản lý.

Tuy nhiên, con đường phát triển xi măng Việt Nam đang bước sang một bước ngoặt lớn. Việt Nam trở thành nước xuất khẩu xi măng, clinker hàng đầu thế giới. Năm 2018, lượng xi măng, clinker xuất khẩu của Việt Nam đạt 32 triệu tấn, trong khi loại sản phẩm này được mua bán trên toàn cầu chỉ dưới 200 triệu tấn.

Sáu tháng đầu năm 2019, tiêu thụ xi măng nội địa có dấu hiệu chững lại, xuất khẩu duy trì ở mức cao như năm 2018. Giá clinker xuất khẩu cũng tương đối cao, vì vậy nguồn clinker cho các nhà máy nghiền nội địa, đặc biệt là các nhà máy phía Nam cũng gặp không ít khó khăn, nhiều chi phí liên quan đến vận chuyển cũng tăng lên. Điều đặc biệt là các nhà nhập khẩu clinker chỉ lựa chọn  nguồn clinker được sản xuất từ các dây chuyền sản xuất lớn, hiện đại, chất lượng clinker ổn định. Điều này cũng gây khó khăn cho các nhà máy nghiền xi măng trong nước.

Trong bối cảnh khó khăn mới nảy sinh, Tây Đô cũng đã biết điều hành linh hoạt, tạo ra các nhân tố mới, những nhân tố có khả năng cung cấp nguồn xi măng chất lượng cao, có các giải pháp để giảm chi phí vận tải clinker từ bắc vào Nam, áp dụng các giải pháp kỹ thuật giảm hàm lượng clinker trong xi măng. Tây Đô đang đổi mới mô hình tổ chức và đang chứng tỏ sức sống mãnh liệt, thích nghi với các thay đổi mang tính khách quan.

Hoạt động sản xuất kinh doanh trong cơ chế thị trường, cạnh tranh ngày càng gay gắt đòi hỏi doanh nghiệp phải có đủ bản lĩnh để chống chọi thành công trước các thách thức luôn rình rập với nhiều biến hóa khôn lường.

Tin mới nhất

Các hoạt động

Video